Hai nguồn tin tình báo Mỹ của đài CNN cho biết Iran đang di chuyển vũ khí trong nước, bao gồm máy bay không người lái và tên lửa hành trình. Hai quan chức Mỹ nói với đài ABC rằng Iran có thể sử dụng hơn 100 tên lửa hành trình trong cuộc tấn công sắp tới. Trong khi đó, Mỹ đang "điều thêm lực lượng đến Trung Đông" để tăng cường năng lực răn đe cũng như bảo vệ lực lượng Mỹ trong khu vực.

Ở phía Đông Địa Trung Hải hiện có 2 tàu khu trục Mỹ, được trang bị hệ thống Aegis chống tên lửa đạn đạo. Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Dwight Eisenhower đang di chuyển về phía Bắc thông qua biển Đỏ hướng Israel, theo trang Times of Israel. Lực lượng điều thêm của Mỹ "bao gồm cả tàu và máy bay chiến đấu", bên cạnh hàng chục ngàn binh sĩ Mỹ hiện có ở Trung Đông (trong đó khoảng 3.400 binh sĩ đồn trú tại Iraq và Syria).

Trong sáng 13-4 (giờ địa phương), Israel tiến hành nhiều đợt không kích vào Đông Nam Lebanon, khu vực vốn là một trong số thành trì của Hezbollah, sau khi nhóm vũ trang này dội rốc-két vào miền Bắc Israel trước đó cùng ngày. Trong khi đó, Hà Lan đóng cửa đại sứ quán ở thủ đô Tehran của Iran trong ngày 14-4 và chưa cho biết ngày mở lại. Hàng loạt quốc gia như Ấn Độ, Pháp, Ba Lan, Nga… đã cảnh báo công dân không đến Trung Đông.

Một tên lửa của Iran trong cuộc diễu binh hồi tháng 2-2024 Ảnh: REUTERS

Tất cả những diễn biến cấp tập, đáng lo ngại trên cảnh báo một cuộc tấn công tiềm tàng của Iran nhằm vào Israel, với mục đích đáp trả vụ không kích tòa nhà lãnh sự của Iran ở thủ đô Damascus - Syria hôm 1-4. Vụ không kích làm chết 13 người, bao gồm 2 viên tướng của lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.

Hiện chưa rõ Iran có tấn công từ lãnh thổ của mình hay không, cũng như mục tiêu của họ có nằm bên trong lãnh thổ Israel hay không. Ông Mohamad Elmasry, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Doha (Qatar), nhận định Iran đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. "Nếu đáp trả quá yếu, chính phủ Iran sẽ bị người dân công kích. Nếu quá mạnh, Israel sẽ phản ứng dữ dội, dẫn đến xung đột toàn diện" - ông Elmasry nói với đài Al Jazeera. Trao đổi với tờ Daily Mail, giáo sư Wyn Bowen của Trường King's College London (Anh), cho rằng nhiều khả năng Iran sẽ không tấn công trực tiếp vào bên trong lãnh thổ Israel, thay vào đó Iran sẽ yêu cầu các lực lượng ủy nhiệm của mình ra tay.

Nằm trong vòng ảnh hưởng của Iran là hàng loạt nhóm vũ trang thiện chiến và quan trọng không kém là đều vây quanh Israel; trong đó phải kể tới Hamas ở Dải Gaza (phía Nam Israel), Hezbollah ở Lebanon (phía Bắc Israel), nhóm Kata'ib Hezbollah ở Iraq, Lực lượng Phòng vệ quốc gia (NDF) ở Syria… Cuối cùng là Houthi, nhóm vũ trang ở Yemen đang làm mưa làm gió trên biển Đỏ. Trong tay các nhóm này đều có kho vũ khí đáng gờm, từ các loại truyền thống đến tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, máy bay không người lái… Dù Israel có các hệ thống phòng không lừng danh, bao gồm Iron Dome (Vòm Sắt) và David's Sling, nhưng vẫn có thể bị xuyên thủng nếu quá nhiều tên lửa cùng tập kích.

Tấn công Israel bằng lực lượng ủy nhiệm có thể giúp Iran tránh được khả năng Mỹ trực tiếp tham gia xung đột. Cũng để tránh kịch bản này mà vẫn trả đũa được, Iran có thể tấn công các mục tiêu Israel bên ngoài lãnh thổ Israel hoặc tấn công một cơ sở của Mỹ. "Iran từng làm tương tự khi trả thù cho tướng Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng Quds. Vài ngày sau khi viên tướng này bị máy bay không người lái Mỹ sát hại ở sân bay Baghdad (Iraq) hồi tháng 1-2020, hơn 10 tên lửa đạn đạo đã được phóng đi từ lãnh thổ Iran nhắm tới 2 căn cứ có lính Mỹ đồn trú ở Iraq. Không có mục tiêu nào trong nước Mỹ bị nhắm tới" - ông Bowen chỉ ra.

Một khi Iran đánh trực tiếp vào lãnh thổ Israel, theo chuyên gia an ninh người Mỹ Mark Toth, Israel và Mỹ có thể phối hợp hỏa lực đáp trả. Khi đó, khí tài tầm xa của Israel sẽ được huy động, bao gồm máy bay ném bom tàng hình F-35, tên lửa liên lục địa và tàu ngầm trang bị hạt nhân; còn phía Mỹ có thể sử dụng các loại tên lửa hành trình, pháo đài bay B-52, tàu ngầm, tàu sân bay…